Áo mưa có cần giặt sau mỗi lần sử dụng hay không? Hóa ra rất nhiều người nghĩ sai
Thực tế, sau mỗi lần sử dụng, chỉ phơi khô áo mưa thôi là chưa đủ.
Trải qua chuỗi ngày mưa dài, áo mưa là vật dụng không thể thiếu trong cốp xe mỗi người khi ra đường. Tuy nhiên, có một việc làm với áo mưa mà rất ít người thực hiện. Đó chính là giặt áo mưa.
Trong số 10 người được hỏi về việc bạn làm gì với áo mưa sau khi đi mưa về, có đến 8 người trả lời rằng họ sẽ phơi khô áo mưa hoặc chỉ giũ qua rồi sau đó nhanh chóng cất lại vào cốp xe. Tuy nhiên, câu trả lời đúng lại nằm ở 2 người còn lại, đó là họ cần giặt áo mưa.
Giặt áo mưa tưởng chừng như một việc rất đơn giản nhưng rất nhiều người thường bỏ quên hoặc nghĩ nó không cần thiết phải thực hiện. Tuy nhiên, thói quen này sẽ khiến áo mưa sinh ra các mùi hôi khó chịu, hay nghiêm trọng hơn là các loại vi khuẩn xâm nhập, vô tình gây ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như sức khỏe con người.
Vì vậy, tốt hơn hết sau mỗi lần đi mưa về, đặc biệt là những trận mưa lớn, hãy cố gắng giặt áo mưa của bạn. Với những cơn mưa nhỏ, xem xét và đánh giá mức độ ướt của áo mưa rồi làm sạch chúng.
Chuyên trang WikiHow đã chỉ ra những bước giặt áo mưa đúng cách, giúp đảm bảo áo mưa được sạch cũng như đảm bảo độ bền cho áo mưa. Trong đó có hướng dẫn cụ thể về quá trình trước khi giặt áo, khi giặt áo và sau khi hoàn thành giặt áo.
1. Trước khi giặt áo mưa
Trước khi giặt áo mưa, áp dụng với các loại áo mưa bộ, có túi ở quần và áo, thì hãy kiểm tra kỹ xem các túi này còn vật lạ gì không. Các loại vật lạ vẫn còn bên trong túi sẽ gây cản trở quá trình giặt, đồng thời khiến hiệu quả làm sạch không được tối ưu.
Những loại áo mưa bộ bên cạnh đóng cúc thì thường sẽ có cả khóa kéo. Hãy đảm bảo đóng cúc hoặc kéo khóa của các loại áo này lên. Nếu chúng có các dây thun, dây đai ở mũ, cổ áo thì cũng nên buộc lại.
Áo mưa khi mặc đi ngoài đường chắc chắn sẽ không tránh khỏi các loại bụi hay mảnh vụn, lá cây bám vào. Trước khi giặt áo mưa, nên dùng khăn hoặc giấy ăn loại bỏ bớt các chất bẩn đó trên áo. Một cách tốt hơn đó là có thể dùng bàn chải chà lên áo theo hình tròn. Khi đã loại bỏ hết hầu như toàn bộ chất bẩn, áo mưa đã sẵn sàng được đem đi giặt.
Trước khi giặt cũng cần kiểm tra xem áo mưa có nhãn hướng dẫn giặt hay không. Nếu có, trên nhãn sẽ có những lưu ý cụ thể về việc giặt áo, ví dụ như nhiều loại không thể giặt bằng máy giặt, phải giặt bằng tay.
Tuy nhiên hiện nay, đa phần các loại áo mưa được làm từ chất liệu có màng nhựa PVC hoặc sợi tổng hợp, vinyl và tráng nylon. Chúng đều có thể tùy chọn giặt tay hoặc giặt máy tùy thích.
2. Trong và sau khi giặt áo mưa
Giặt bằng máy
Điều đầu tiên cần chú ý khi bắt đầu tiến hành giặt áo mưa bằng máy đó là lựa chọn chất tẩy rửa sao cho phù hợp. Một số loại có hóa chất mạnh có thể làm hỏng lớp phủ chống thấm nước trên áo mưa của bạn. Khay đựng bột, nước giặt cũng cần được làm sạch, không còn sót lại các loại cặn cũ để tránh việc dính lên áo, làm mài mòn áo mưa.
Sau đó, hãy chọn chế độ giặt nhẹ nhàng nhất để đảm bảo áo mưa của bạn không bị rách hoặc hỏng lớp chống thấm nước trong quá trình giặt. Khi giặt, cũng không nên dùng nước quá nóng mà hãy dùng nước ấm.
Khi kết thúc chu trình giặt đầu tiên, bạn có thể tiến hành chạy máy thêm một chu trình xả để xả sạch chất tẩy rửa còn lại trên áo mưa. Cuối cùng là lấy áo mưa ra khỏi máy giặt và phơi khô.
Nếu cần áo khô nhanh, bạn cũng có thể sấy khô với các máy sấy, tuy nhiên cần xem kỹ về hướng dẫn xem máy có phù hợp để sấy với nhiệt độ cao của máy không.
Giặt bằng tay
Với giặt tay, việc đầu tiên khi mang áo mưa về nhà là xả sơ áo với nước lạnh để loại bỏ sơ qua các chất bẩn, bụi bẩn trên áo. Bước này là vô cùng quan trọng bởi nếu không thực hiện, áo mưa của bạn có thể không được làm sạch hoàn toàn.
Tiếp đến, để giặt áo mưa, hãy trải toàn bộ nó ra sàn. Dung dịch dùng để làm sạch áo mưa khi giặt tay sẽ là bột giặt pha với nước. Đổ trực tiếp hỗn hợp này lên bề mặt áo mưa rồi dùng bàn chải hoặc miếng cọ rửa chà đều.
Áo mưa có 2 mặt, vì vậy nên chả cả mặt trong và mặt ngoài của áo để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn tạo nên mùi hôi khó chịu. Nếu trên áo mưa xuất hiện các vết mốc, không thể làm sạch bằng bột giặt và nước thông thường, hãy dùng giấm hoặc rượu nếp.
Cách làm là thấm giấm hoặc rượu nếp lên một chiếc khăn hay miếng cọ rửa khác, sau đó kì mạnh vào những phần nấm mốc. Dưới tác động của axit, các vết mốc sẽ nhanh chóng được loại bỏ.
Cuối cùng thì xả lại áo mưa một lần với nước sạch, và đem phơi khô.
Khi phơi áo mưa, để mau khô, hãy trải áo mưa ra hoặc treo trên những chiếc móc lớn. Kiểm tra khi thấy một mặt của áo mưa đã khô, thì lật mặt còn lại để áo được khô đều, khô hoàn toàn.
Đối với một số loại áo mưa, sau thời gian dài sử dụng có thể bị mất đi lớp chống thấm nước. Các chuyên gia của WikiHow khuyên rằng, bạn có thể tìm mua và sử dụng các loại xịt chống thấm chuyên dụng.
Muốn kiểm tra lớp chống thấm của áo mưa còn dùng tốt hay không, có thể tiền hành như sau:
– Tưới thử nước lên bề mặt khi áo khô.
– Nếu các giọt nước còn đọng lại sau khoảng vài phút, tức là khả năng chống thấm của áo vẫn tốt.
– Tuy nhiên nếu nước không đọng lại thành giọt mà lại ngấm nhanh chóng thì có nghĩa là lớp chống thấm đã bị mài mòn.
Khi đi mưa về, nếu chưa có thời gian giặt áo mưa ngay, bạn hãy nhúng áo qua với nước. Việc làm này có thể loại bỏ sơ qua các vết bẩn tạo nên nấm mốc và mùi hôi khó chịu trên áo.